Cây mai 80 tuổi của ông Nguyễn Văn Đối (Ba Đối) ở ấp Đông Hậu, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đã trở thành điểm đến thân quen của du khách từ mấy năm nay.
Năm nay ở tuổi 71, ông Ba Đối trông vẫn rắn rỏi. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Ba Đối nhớ lại: cây mai này được cha ông trồng cách đây gần 80 năm.
“Lúc đó, vùng đất này chỉ toàn cỏ lác, cỏ năng… Còn căn nhà này là cái còi lá để giữ lúa. Cây mai này có thể là hạt trôi dạt theo thân đủng đỉnh hay dấu chân chim, rồi nảy mầm bám rễ, được cha ông thuận tay đắp bồi gò đất. Cây mai lớn lên trong góc chòi lá, sau này thành căn nghiệp của cháu con. Nó lớn lên, chứng kiến mọi thăng trầm của xóm Cống Cây Gòn nhỏ này”, ông Ba Đối kể.
Ông Ba Đối bên cạnh cây mai.
Nó là loài mai cổ điển có 5 cánh. Tuy nhiên hiện cũng có những nhánh ra đến 8 cánh. Điều lạ là tán lá là đà dưới mặt đất mà không vươn cao. Thân cây hiện nay có dáng khá đẹp, đường kính hơn 50 cm. Tán cây có đường kính khoảng 9 mét, cao chỉ khoảng 4-5 mét. Vì thế, ông Ba Đối phải dùng cây đỡ nhánh để mọi người ra vào không đạp nhánh.
Năm nay, điều thú vị là ông phát hiện có 2 nụ mọc lên từ rễ trồi lên. Theo ông, những câu chuyện về cây mai và hoa trổ trên rễ là sự kỳ thú của thiên nhiên mà không thể giải thích nổi!
Bí quyết chăm sóc mai của anh Ba Đối chính là chăm sóc một cách tự nhiên, giữ vẻ đẹp do thiên nhiên ban tặng, cho nó giao hòa giữa đất trời. Vì vậy, từ thế đứng cho đến phong thái cây mai đã toát lên cái hồn.
Có người trả giá 1,5 tỷ đồng nhưng ông Ba Đối không bán,
Ông Ba Đối chỉ sử dụng một ít thuốc trừ sâu, còn bón phân đa phần là phân chuồng, phân rơm mục… tự ông ủ, chứ không dùng phân hóa học. Mỗi khi gần Tết, ông và bà phải lặt lá mai bằng tay trong 4 ngày mới xong (thường từ 13 đến 16 âm lịch) chứ không phun thuốc như nhiều người mách bảo. Lá mai lặt có thể độn 1 con mương nhỏ. Sau khi lặt lá, mai bắt đầu trổ bông. Thời gian trổ của cây kéo dài hơn 1 tháng. Rực rỡ nhất là từ 25 Tết kéo dài cho đến mùng 10. Toàn cây hoa vàng rực, thơm cả một vùng.
Những bông hoa nở trên rễ cây mai.
Trước đây, có người trả giá cây mai này 1,5 tỷ nhưng ông không bán vì ông xem nó người bạn thân thiết.
“Nhờ có cây mai, tôi có thêm bạn bè phương xa đến uống trà, trò chuyện về cây mai. Tuổi già, con cháu đi làm xa, chi có người con trai ở gần, nên có thêm bạn bè tôi rất vui” ông Ba Đối bộc bạch.
Nhờ cây mai mà ông Ba Đối có thêm nhiều người bạn phương xa.
Giữa muôn nẻo đường phương Nam này vẫn còn nhiều cây mai đẹp, tuy nhiên, cây mai của ông Ba Đối lại dân dã, chân phương vì chứa cái hồn quê, không cầu kỳ đã tạo một nét riêng níu chân du khách.
0 Nhận xét